Bạn sẽ có gì nếu đưa một á thần tràn đầy sự giận giữ vào một cuộc một cuộc báo thù đầy máu? Thêm vào đó những trận chiến hoành tráng với các vị thần từ thần thoại Hy Lạp và thậm chí là cả Bắc Âu? Bạn sẽ có một thương hiệu game “đỉnh của chóp”! Vậy hãy cùng 34GameShop đi khám xem thương hiệu God of War đã được tạo ra như thế nào.
Ý Tưởng Và Sự Phát Triển
Sau thành công của tựa game đua xe mang bối cảnh tương lai Kinetica vào năm 2002, Santa Monica Studios bắt đầu phát triển một tựa game mới sử dụng cùng engine. Tựa game đó được đặt tên là God of War.
Đạo diễn và cũng là người tạo ra game, ông David Jaffe, tiết lộ rằng ông lấy cảm hứng từ tựa game Onimusha của Capcom – một trò chơi tái hiện lịch sử Nhật Bản bằng cách sử dụng các nhân vật lịch sử và những yếu tố siêu nhiên thần thành, với ông đã có một ý tưởng rằng: “Nếu ta thử làm với Thần Thoại Hy Lạp thì sao nhỉ?”
David cũng lấy thêm những nguồn cảm hứng khác cho God of War từ các bộ phim kinh điển như Clash of the Titans (1981) và Raiders of the Lost Ark (1981), cùng với tạp chí truyện tranh khoa học viễn tưởng của Mỹ, Heavy Metal.
Ban đầu, đội ngũ phát triển tại Santa Monica sử dụng các nhân vật và chủ đề từ thần thoại Hy Lạp, nhưng họ cho mình quyền tự do sáng tạo và chỉ đơn giản chọn lọc những khía cạnh “ngầu nhất” của chủ đề thần thoại Hy Lạp để tạo ra trải nghiệm hấp dẫn nhất. Họa sĩ ý chính của tựa game, Charlie Wen, lấy cảm hứng từ các bộ phim năm 1981 cũng như những bộ phim hiện đại hơn, như Gladiator (2000), để thiết kế hình ảnh nhân vật và bối cảnh trong game.
Về lối chơi, God of War chịu ảnh hưởng sâu sắc từ loạt game arcade Strider của Capcom – một tựa game hành động chặt chém nổi tiếng. God of War lần đầu tiên được công bố tại sự kiện Santa Monica Gamers’ Day của Sony America vào năm 2004.
Trong một cuộc phỏng vấn với GameSpot tại E3 cùng năm, các nhà phát triển đã miêu tả tựa game này như sau “God Of War là một trải nghiệm kết hợp giữa việc chặt chém đã tay của Devil May Cry với những màn giải đố theo phong cách Ico” Họ cũng hứa hẹn rằng người chơi sẽ được tận tay tàn sát kẻ địch theo những cách đẫm máu nhất.
Sau những đoạn teaser, có thể nói rằng các game thủ rất phấn khích về sự ra mắt của God of War…Ít nhất là những ai sở hữu PlayStation 2, bởi tựa game do Sony phát hành này là độc quyền trên hệ máy PlayStation!
God of War (2005)
Vào ngày 22 tháng 3 năm 2005, God of War chính thức được phát hành, và cộng đồng đã thực sự bùng nổ! Tựa game giới thiệu nhân vật chính Kratos, một á thần sở hữu sức mạnh và khả năng siêu phàm, từng là một chiến binh Sparta dũng mãnh nhất.
Qua những đoạn hồi tưởng, câu chuyện của Kratos được hé lộ rằng, trong một trận chiến chống lại người Barbarian, Kratos đã cầu xin sự giúp đỡ từ Ares, vị Thần Chiến tranh của Hy Lạp, bằng cách dâng hiến mạng sống và sự phục vụ của mình để đổi lấy chiến thắng.
Cảm nhận được sức mạnh phi thường của Kratos, Ares đồng ý và ban cho anh ta cặp song đao Blades of Chaos được rèn trong địa ngục Hades, và trói buộc vào cánh tay của Kratos bằng các chuỗi xích dài. Sau trận chiến, Kratos trở thành đầy tớ của Ares và dẫn dắt đội quân Sparta chinh phục phần lớn Hy Lạp. Tuy nhiên, tại một ngôi làng, Ares đã phù phép khiến Kratos rơi vào cơn thịnh nộ,buộc anh giết tất cả những ai cản đường mình.
Đáng buồn thay, hai nạn nhân cuối cùng của cơn khát máu này lại chính là vợ và con gái của Kratos. Ares giải thích rằng đây là một bài kiểm tra sức mạnh của người Sparta và nhằm cắt đứt mọi mối ràng buộc của Kratos đối với phần nhân tính còn sót lại.
Một vị tiên tri của ngôi làng bị phá hủy đã nguyền rủa Kratos, dùng tro cốt của gia đình anh bao bọc lên làn da của anh, khiến nó trở nên nhợt nhạt và từ đây anh có biệt danh mới: “Bóng Ma Của Sparta“. Biết được sự thật Kratos từ bỏ sự phục vụ cho Ares và bắt đầu lang thang khắp nơi, bị người đời khiếp sợ.
Anh một lần nữa phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các vị thần khác để chuộc lại lỗi lầm và trả thù Ares. Và từ đây, người chơi sẽ đảm nhận vai trò điều khiển Kratos để hoàn thành nhiệm vụ của anh. Santa Monica thực sự đã trình làng một màn intro game đầy tính nghệ thuật chẳng khác nào một bộ phim cả.
Với lối chơi tập trung vào những màn chặt chém đẫm máu và giải đố, game thủ sẽ được bước vào một hành trình tuyệt vời nhưng không kém phần gian khổ, khi phải đối đầu với các kẻ thù bước ra từ thần thoại Hy Lạp. Nhiều trận chiến trong game bao gồm các minigame đòi hỏi người chơi phải bấm nút chính xác, xoay cần analog, hoặc nhấn liên tục các nút để thực hiện các màn kết liễu đẫm máu.
Nhiều vũ khí và kỹ năng trong game được bê ra thần thoại Hy Lạp, như Blade of Artemis hay Medusa’s Gaze. Cách kể chuyện theo phong cách điện ảnh, chuyển đổi mượt mà giữa các đoạn phim và gameplay, kết hợp với việc che giấu thời gian loading bằng cách để người chơi di chuyển qua các khu vực dài và trống trải, là một trải nghiệm mang tính các mạng. God of War nhanh chóng nhận được những đánh giá rất tích cực, và nhiều người xem đây là một trong những tựa game xuất sắc nhất trên PlayStation 2.
Một bài đánh giá từ CNN nhận xét rằng “God of War là một tựa game khiến bạn nhớ lại lý do bạn chơi game là gì!” Trang chuyên đánh giá về game Metacritic ghi nhận số điểm ấn tượng lên đến 94 điểm Metascore, và tựa game cũng thành công về mặt thương mại với 4,6 triệu bản được bán ra.
God of War II
God of War vốn được dự định sẽ là một tựa game đơn lẻ. Tuy nhiên, sau thành công vang dội, Santa Monica đã quyết định phát triển các phần tiếp theo để cốt truyện có tính liên kết chặt chẽ hơn. Đây cũng là lý do tại sao có một số mạch truyện không được nhất quán trong cả series, và tại sao một vài sự kiện trong phần đầu tiên không còn được coi là canon.
Dẫu vậy, God of War II vẫn là phần tiếp nối, lấy bối cảnh 13 năm trong game sau khi phần đầu tiên kết thúc. Phần thứ hai của loạt game hành động phiêu lưu rất được yêu thích này được phát hành vào tháng 3 năm 2007.
Phiên bản Bắc Mỹ đi kèm với 2 chiếc đĩa, một đĩa là game chính, và đĩa còn lại chứa thông tin về quá trình phát triển God of War II, bao gồm cả nhật ký sản xuất game. Phiên bản châu Âu và Úc cung cấp một Phiên bản đặc biệt với nội dung tương tự.
Công cuộc trả thù một lần nữa trở thành chủ đề trung tâm, nhưng lần này, kẻ phản bội Kratos lại là Zeus – vị thần tối cao của đỉnh Olympus. Zeus đã giết Kratos, tước đi tước vị của anh và đẩy anh xuống địa ngục. Tuy nhiên, Kratos được cứu bởi Titan Gaia, người hướng dẫn anh tìm đến Sisters of Fate, vì họ có thể giúp anh du hành ngược thời gian để trả thù Zeus.
Lối chơi của God of War II không thay đổi nhiều so với phần đầu tiên. Các yếu tố chiến đấu, leo trèo, và giải đố tiếp tục được duy trì, cũng như các minigame giúp thực hiện những pha kết liễu đẫm máu. Trong God of War II người chơi cũng có thể bắt gặp các vật phẩm được bê ra từ thần thoại như: Đôi cánh của Icarus hay, Bộ lông cừu vàng.
Giống như phần đầu, God of War II nhận được những đánh giá tuyệt vời, với điểm số 93/100 trên Metacritic. Chris Roper từ IGN nhận xét đây là: “God of War II là một tác phẩm xuất sắc của nghệ thuật kể chuyện và thiết kế game.” Ông cũng bảo vệ việc cơ chế gameplay không thay đổi nhiều, nói rằng điều đó là không cần thiết vì vốn cơ chế của game đã quá xuất sắc rồi. God of War II đã nhận được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Golden Joystick cho “PlayStation Game of the Year 2007” tại sự kiện Golden Joystick Awards năm 2007.
God of War: Betrayal
Một trong những tựa game ít được biết đến nhất trong loạt God of War là God of War: Betrayal, một trò chơi trên di động ra mắt vào năm 2007. Lấy bối cảnh là phần tiền truyện cho God of War II, tựa game platform 2D này xoay quanh việc Kratos bị buộc tội giết hại một người khổng lồ tên là Argos.
Người chơi, trong vai Kratos, có nhiệm vụ truy lùng kẻ sát nhân thực sự để minh oan cho bản thân. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là game không bao giờ tiết lộ danh tính của kẻ sát nhân, vì hắn đã trốn thoát, và Kratos nhận ra rằng hành động của mình đã khiến các vị thần càng xa lánh anh hơn, và có khả năng khiến Zeus phẫn nộ.
Betrayal là tựa game duy nhất trong loạt God of War cho đến nay không được phát hành trên PlayStation. Dẫu vậy, trò chơi vẫn được giới phê bình đánh giá cao nhờ khả năng truyền tải được những đặc trưng gameplay chính từ dòng game chính. Thậm chí, trò chơi còn nhận được giải thưởng “Trò chơi nền tảng không dây hay nhất” vào năm 2007.
God of War: Chain of Olympus
Năm 2008, tựa game God of War đầu tiên dành cho hệ máy PlayStation Portable (PSP) đã được phát hành. Với tên gọi God of War: Chains of Olympus, đóng vai trò là phần tiền truyện cho tựa game gốc ra mắt năm 2005.
Cốt truyện theo chân các sự kiện diễn ra trong giai đoạn 10 năm Kratos phục vụ các vị thần trên đỉnh Olympus. Kratos được giao nhiệm vụ hoàn thành một loạt nhiệm vụ để anh có thể chuộc lại lỗi lầm và giải thoát khỏi những cơn ác mộng luôn ám ảnh mình.
Lối chơi của Chains of Olympus gần như giữ nguyên những yếu tố đã thấy trong các phiên bản trên console, khiến tựa game trở thành lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn trải nghiệm God of War khi di chuyển. Tựa game nhận được điểm số 91 MetaScore trên Metacritic, trở thành tựa game PSP được đánh giá cao nhất tính tới thời điểm hiện tại. Chains of Olympus sau đó đã được làm lại với đồ họa nâng cấp và đưa vào và God of War Saga (2012) dành cho hệ máy PlayStation 3.
God of War III
Nói về loạt game trên PS3, tựa game đầu tiên của God of War phát hành trên hệ máy này chính là God of War III. Tựa game được ra mắt vào tháng 3 năm 2010 và sau đó được làm lại vào năm 2015 dành cho hệ máy PS4.
Phần này tiếp nối cốt truyện của God of War II, sau khi Kratos bị Zeus phản bội, và qua đó, người chơi biết được Zeus thực ra là cha của Kratos. Kratos tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh Olympus nhưng bị Titan Gaia bỏ rơi.
Người chơi, điều khiển Kratos, sẽ phải chiến đấu với quái vật, các vị thần, và các Titan, dưới sự dẫn dắt của linh hồn Athena. Kratos cần tìm và mở hộp Pandora để đánh bại Zeus, thực hiện màn báo thù đầy bạo lực trước người cha của mình.
Về lối chơi, phần thứ ba tiếp tục triết lý “nếu không sai thì đừng sửa” với cơ chế gameplay cốt lõi quen thuộc của dòng game. Tuy nhiên, một yếu tố mới thú vị được thêm vào là Godly Possessions. Bên cạnh các bảo vật quen thuộc như Icarus’ Wings và Golden Fleece, Godly Possessions là những vật phẩm ẩn trong game mà người chơi có thể tìm thấy và sử dụng trong lần chơi thứ hai.
Dù rất thú vị, nhưng nếu kích hoạt Godly Possessions, người chơi sẽ không thể nhận được PlayStation trophies trong lần chơi đó. Không nằm ngoài kỳ vọng, God of War III tiếp tục thành công rực rỡ như các phần trước, được đánh giá cao với điểm số 92 Metascore trên Metacritic.
Nhà phê bình game Nathan Ditum nhận xét trò chơi là: “Một kiệt tác hành động và là sự kết hợp hoàn hảo giữa bạo lực đỉnh cao, kịch tính và thiết kế xuất sắc.” God of War III cũng đã vượt mặt các phần trước với doanh số hơn 5 triệu bản trên toàn thế giới.
God of War: Ghost of Sparta
Vào tháng 11 năm 2010, một tựa game thứ hai được phát triển bởi Ready at Dawn và phát hành cho máy PSP với tên gọi God of War: Ghost of Sparta. Cốt truyện của game diễn ra vào thời điểm giữa 2 phần game God of War và God of War II, theo chân Kratos khi anh đến thành phố Atlantis đã bị lãng quên từ lâu, qua đó tiết lộ thêm nhiều chi tiết về quá khứ của anh.
Trong trò chơi, người chơi sẽ khám phá ra rằng mẹ và người em trai thất lạc của Kratos, Deimos, vẫn còn sống! Vẫn giữ nguyên phong độ, tựa game được giới phê bình đánh giá cao. IGN chấm 9,5 điểm cho Game và ca ngợi rằng: “Đây là tựa game trên PSP có đồ họa đẹp nhất từng được tạo ra.” Tuy nhiên, Eurogamer chỉ cho 7 điểm và cho rằng: “Dù đáng kinh ngạc về mặt kỹ thuật, gameplay có phần không đổi mới so với các phiên bản trước.”
Trên Metacritic, trò chơi đạt điểm số 86 điểm và Ghost of Sparta cũng đã giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong năm 2010. Về mặt doanh số, tựa game đã bán được khoảng 1.2 triệu bản trên toàn thế giới, trở thành tựa game bán chạy thứ 15 trên PSP.
God of War: Ascension
Vào tháng 3 năm 2013, God of War: Ascension đã được phát hành, trở thành phần thứ bảy trong loạt game God of War và có thể chơi trên hệ máy PlayStation 3. Về cốt truyện, Ascension đóng vai trò là chương đầu tiên, diễn ra trước khi Kratos trở thành Thần Chiến Tranh, vào khoảng sáu tháng sau khi anh vô tình sát hại vợ và con gái mình.
Trò chơi tiếp tục sử dụng các đoạn hồi tưởng để làm rõ mốc thời gian, theo chân Kratos trong thời gian anh phục vụ Ares. Các sự kiện xảy ra cách God of War (2005) khoảng 10 năm. Trong các đoạn giới thiệu về Ascension các nhà sản xuất hứa hẹn rằng: “cuộc phiêu lưu tham vọng nhất trong loạt game God of War từ trước đến nay”.
Điểm nổi bật nhất của phần này là bổ sung chế độ chơi online multiplayer mới. Trong chế độ này, người chơi có thể tham gia Co-op hoặc Chiến đấu lẫn nhau. Tối đa 8 người chơi chia thành 2 đội chiến đấu để giành quyền kiểm soát bản đồ trong kiểu chơi deathmatch và kiếm phần thưởng từ các vị thần. Ngoài ra tựa game còn sở hữu 1 chế độ 1v1 vô cùng hấp dẫn.
Người chơi có thể “bán linh hồn” nhân vật của mình cho một trong bốn vị thần: Zeus, Hades, Ares hoặc Poseidon, được sử dụng các loại vũ khí, giáp và sức mạnh lấy cảm hứng từ vị thần mà người chơi đã chọn. Mặc dù nhận được các đánh giá “tương đối tích cực,” God of War: Ascension là tựa game có điểm thấp nhất trong loạt game tính đến thời điểm đó, với số điểm 80/100 Metascore.
Gameplay và hình ảnh của Ascension vẫn được khen ngợi, nhưng thiếu ý tưởng mới và những phản ứng trái chiều đối với chế độ multiplayer đã khiến điểm số tổng thể bị giảm. Về doanh số, Ascension chỉ bán được hơn 3 triệu bản, thấp hơn đáng kể so với các phần trước. Dù nhận được nhiều đề cử, tuy nhiên tựa game lại không giành được giải thưởng nào.
Quá Trình Làm Mới Hình Ảnh God Of War
Santa Monica Studio đã cảm thấy mệt mỏi với việc lặp lại mãi công thức cũ của God of War. Tệ hơn nữa, sau khi phát hành God of War: Ascension, Santa Monica hỏi ý kiến người hâm mộ về series này, và nhận được những phản hồi khá phũ phàng nhiều người cho rằng họ đã quá chán Kratos. Kratos hoặc cần biến mất, hoặc cần một khởi đầu hoàn toàn mới.
Vì thế, studio quyết định tái định hình lại thương hiệu. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng. Để tạo ra bản reboot, họ đã mời Cory Barlog, một trong những nhà lãnh đạo quan trọng của những tựa game God of War đầu tiên, trở lại, và lần này anh đảm nhận vai trò đạo diễn.
Ban đầu, bối cảnh của game dự kiến sẽ là Ai Cập, một nơi cũng rất thú vị với khả năng Kratos tiêu diệt các vị thần Ai Cập. Nhưng cuối cùng, họ quyết định thử một hướng đi táo bạo hơn: thêm vào nhân vật Atreus – con trai của Kratos – vào câu chuyện.
Trong cốt truyện này, Kratos không còn là một kẻ đầy giận dữ và thù hận như trước nữa; thay vào đó, studio muốn xây dựng một câu chuyện sâu sắc và giàu cảm xúc. Kratos sẽ hướng dẫn Atreus như một người thầy, trong khi Atreus giúp Kratos học cách làm cha.
Studio cũng quyết định tìm một diễn viên lồng tiếng mới cho Kratos và cuối cùng đã chọn được người hoàn hảo: Christopher Judge. Khi Christopher đọc kịch bản, anh đã tưởng mình đang đọc một kịch bản phim, không thể tin rằng đây lại là kịch bản của một trò chơi điện tử. Nhóm phát triển đã lớn mạnh hơn với hơn 300 người tham gia vào dự án. Trong đó có Danielle Bisutti, người thủ vai Freya. Điều hài hước là cô nghĩ mình đang thử vai cho Game of Thrones!
Âm nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự hùng vĩ cho game. Bear McCreary, nhạc sĩ từng đoạt giải Emmy, đã sáng tác nhạc cho tựa game. Tại sự kiện E3 2016, đội ngũ phát triển lần đầu trình diễn sản phẩm mà họ đã ấp ủ trong nhiều năm. Khán giả phát cuồng với những thay đổi của game!
Nhưng điều đáng lo ngại là: họ đã mất một năm rưỡi để hoàn thiện bản demo dài hơn 10 phút, và chỉ còn một năm rưỡi để hoàn thành toàn bộ phần còn lại. Nhóm thực sự đặt cả trái tim và linh hồn vào dự án này, và kết quả đã tạo nên một kiệt tác khiến người chơi xúc động.
God of War: Call from The Wild
Trước khi phần game God of War mới được phát hành, một tựa game theo dạng text-based có thể chơi qua Facebook Messenger đã xuất hiện vào năm 2018 với tên gọi God of War: A Call from the Wilds. Đây là một dự án hợp tác giữa Sony và Facebook nhằm quảng bá cho tựa game God of War sắp ra mắt trên PS4.
Câu chuyện ngắn này theo chân Atreus, con trai của Kratos, trong chuyến phiêu lưu đầu tiên của cậu tại vùng hoang dã Bắc Âu. Atreus nghe thấy tiếng kêu yếu ớt của một con hươu đang hấp hối và phát hiện ra nó bị bao phủ bởi máu.
Ngay lúc đó, một nhóm draugar xuất hiện. Atreus cố gắng chiến đấu với chúng nhưng bị thương. Và ngay lúc này đây Kratos đã xuất hiện để giải cứu con trai của mình. Kratos cùng con trai sau đó hợp sức chiến đấu với một xác sống trước khi quay trở về nhà. Hoàn thành A Call from the Wilds sẽ mở khóa được các concept art có thể tải về. Dù không phải là một tựa game lớn, nó đã mang đến một lời giới thiệu thú vị cho bản God of War trên PS4.
God of War (2018)
Tựa game thứ tám trong loạt God of War, với tên gọi đơn giản là God of War. Đánh dấu khởi đầu mới cho toàn bộ loạt game. Thay vì tiếp tục khai thác thần thoại Hy Lạp, tựa game chuyển sang khai thác chủ đề thần thoại Bắc Âu, với phần lớn câu chuyện diễn ra tại vùng Scandinavia cổ xưa, ở cõi Midgard.
Sau 5 năm kể từ phiên bản chính trước đó trong loạt game, đến ngày 20 tháng 4 năm 2018, God of War chính thức được phát hành, mang đến một chuyến phiêu lưu đầy mới mẻ và hấp dẫn. Ban đầu, game chỉ phát hành độc quyền trên PlayStation 4, nhưng đến năm 2022, người chơi trên PC cũng đã có cơ hội trải nghiệm tựa game này. Các sự kiện trong game diễn ra sau phần God of War III, nhưng đã nhiều năm trôi qua, và Kratos giờ đây đã già hơn, đồng thời đảm nhận vai trò mới: một người cha.
Ngoài sự thay đổi về thần thoại, một điểm đặc biệt nữa là sự xuất hiện của Atreus, con trai của Kratos, khiến đây là lần đầu tiên series có đến hai nhân vật chính. Sau khi báo thù và sống sót qua cuộc đối đầu cuối cùng với Zeus, Kratos chọn sống một cuộc đời yên bình cùng con trai tại vùng đất Na Uy cổ.
Đây là một vùng đất hoang dã, đầy rẫy những sinh vật hung bạo và các chiến binh tàn ác. Người vợ thứ hai của Kratos, Faye, vừa qua đời. Thực hiện di nguyện của cô, hai cha con phải mang tro cốt của cô đến đỉnh cao nhất của cứu giới để rải tro.
Trong hành trình, họ đối mặt với quái vật và các vị thần trong thế giới Bắc Âu. Để dạy con trai mình cách sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt, Kratos phải kiềm chế cơn giận dữ của mình và học cách trở thành một người cha. Kratos không còn sử dụng cặp lưỡi xích quen thuộc nữa, mà thay vào đó là một vũ khí mới: Leviathan Axe – một cây rìu ma thuật mang sức mạnh băng giá. Cây rìu này có thể ném trúng kẻ thù và được triệu hồi lại về tay Kratos.
Ngoài ra, khi người con trai của mình bị bệnh nặng Kratos một lần nữa phải vác lên cặp song đao hỗn mang để đi xuống địa ngục hòng tìm cách cứu con trai của mình. Cùng với sự trở lại của bóng ma Athena, đây được cho là một trong những phân cảnh game khiến những fan hâm mộ lâu năm phải gào lên sung sướng.
Ngoài hệ thống chiến đấu dựa trên combo và giải đố quen thuộc, lối chơi đã được tái thiết kế hoàn toàn. Kratos có thể sử dụng kỹ năng Spartan Rage, một dạng năng lực đặc biệt khi thanh nộ đầy. Khi kích hoạt, Kratos tấn công kẻ thù bằng tay không với sức mạnh khủng khiếp.
Góc nhìn camera cũng thay đổi, sử dụng góc nhìn qua vai thay vì camera cố định như trước đây. Trong suốt tiến trình chơi các góc quay được sử dụng rất linh hoạt nhằm tăng trải nghiệm của người chơi khiến đây không đơn thuần chỉ là một tựa game mà như một thước phim thực sự. Game còn tích hợp yếu tố nhập vai (RPG), cho phép người chơi chế tạo tài nguyên để nâng cấp hoặc tạo trang bị mới. Kinh nghiệm kiếm được từ chiến đấu dùng để mở khóa kỹ năng.
Ngoài ra, người chơi có thể tìm thấy các rương chứa vật phẩm, tiền tệ. Hệ thống chiến đấu thêm thanh stun, khi đầy sẽ cho phép Kratos thực hiện các đòn kết liễu ngoạn mục, tùy thuộc vào kẻ thù, bao gồm cả việc xé đôi chúng!
Rất nhiều thành viên trong đội ngũ phát triển của Santa Monica Studio, những người đã tham gia vào bản God of War đầu tiên, cũng làm việc trên tựa game này. Kết quả là một sự tái xuất ngoạn mục, đạt điểm 94/100 trên Metacritic, sánh ngang với bản đầu tiên về mức đánh giá cao nhất trong series. God of War giành được giải Game of the Year trong năm 2018, đồng thời bán hơn 20 triệu bản trên toàn thế giới, nhiều hơn tổng doanh số tất cả các bản God of War trước đó cộng lại!
God of War: Ragnarök
Một năm sau khi phát hành phần game trước đó, để kỷ niệm dịp này, Cory Barlog đã đăng một loạt bài tweet trên Twitter, kèm theo hình ảnh và bình luận về quá trình phát triển God of War 5, lúc đó vẫn chưa được đặt tên. Một số fan tinh ý nhận ra rằng các chữ cái đầu tiên trong các tweet của Barlog ghép lại thành cụm từ: “Ragnarök is coming” Tuy nhiên, người hâm mộ đã phải chờ đợi lâu hơn dự kiến để có thể chạm tay vào phần game tiếp theo.
Ban đầu, God of War Ragnarök dự kiến ra mắt vào năm 2021, nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch và các vấn đề sức khỏe của diễn viên lồng tiếng Christopher Judge. Cuối cùng, vào ngày 9 tháng 11 năm 2022, God of War Ragnarök chính thức được phát hành trên PlayStation 4 và PlayStation 5.
Đúng như tên gọi, tựa game xoay quanh chuỗi sự kiện được gọi là Ragnarök, một trận chiến tận thế trong thần thoại Bắc Âu, dẫn đến sự kết thúc của thế giới và cái chết của nhiều vị thần quan trọng. Sự kiện này đã được dự báo trong phần game trước, khi Kratos giết chết thần Baldur. Phần game diễn ra sau phần trước khoảng ba năm, là phần tiếp nối và cũng là cái kết cho kỷ nguyên thần thoại Bắc Âu của God of War.
Khi Fimbulwinter sắp kết thúc, Kratos và con trai của ông, Atreus, phải vượt qua cửu giới để tìm cách ngăn chặn Ragnarök. Đồng thời, cả hai tìm kiếm câu trả lời về danh tính thực sự của Atreus. Hai cha con đối đầu với nhiều vị thần Bắc Âu, đặc biệt là Thor, thần Sấm Sét, người muốn báo thù cho cái chết của anh em cùng cha khác mẹ Baldur và hai con trai, Modi và Magni.
Ngoài ra, Freya, mẹ của Baldur, cũng xuất hiện, cùng với Odin – vị cha già của các vị thần Bắc Âu. Lối chơi trong Ragnarök tương tự như phần game năm 2018 nhưng đã được mở rộng và cải tiến, với nhiều loại kẻ thù và trận đấu mini-boss hơn, mang lại chiều sâu và sự đa dạng. Kratos tiếp tục sử dụng Leviathan Axe cùng với vũ khí biểu tượng là Blades of Chaos nay đã có nhiều công dụng hơn.
Kratos cũng có thể trang bị nhiều loại khiên khác nhau, với cơ chế mới được làm lại trong Ragnarök, giúp khiên hữu dụng hơn trong chiến đấu. Atreus tiếp tục hỗ trợ cha mình trong chiến đấu, di chuyển, khám phá và giải đố. Người chơi có thể điều khiển Atreus một cách gián tiếp, ra lệnh cho cậu bắn cung hoặc triệu hồi các linh thú để hỗ trợ trong chiến đấu.
Các yếu tố nhập vai tiếp tục xuất hiện, người chơi có thể tìm kiếm tài nguyên để chế tạo hoặc nâng cấp áo giáp với các thuộc tính tốt hơn. Tính năng mới, “armor transmogrification”, cho phép người chơi thay đổi diện mạo của áo giáp mà không làm mất đi chỉ số của chúng. God of War Ragnarök nhận được phản hồi xuất sắc từ giới phê bình, với điểm số 94/100 trên Metacritic. Đồng thời tựa game cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ cùng năm.
Tổng Kết
Và đó là toàn bộ quá trình phát triển và hình thành ra một trong những series game đình đám nhất thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong phần kết của God of War: Ragnarok thì có vẻ như Kratos sẽ thực sự được nghỉ hưu và có thể nhân vật chính của các phần sau sẽ là cậu con trai Atreus. Hiện nay vẫn chưa có thêm thông tin về phần tiếp theo của tựa game nên chúng ta chỉ biết chờ mong những thông tin tiếp theo mà thôi.