Pokemon không chỉ là một trò chơi,không chỉ là một loạt phim hoạt hình hay một bộ sưu tập thẻ bài. Đó là một hiện tượng văn hóa toàn cầu! Nhưng tại sao, sau hơn hai thập kỷ, Pokemon vẫn là một franchise khổng lồ, lớn nhất trên thế giới hiện tại?
Hình Thành Từ Đam Mê Và Nỗ Lực
Khởi đầu với cha đẻ của tựa game Satoshi Tajiri, hồi còn nhỏ ông là rất thích bắt và nghiên cứu côn trùng. Chính vì điều này những người bạn của ông hay gọi với cái tên Tiến Sĩ Côn Trùng. Ngoài côn trùng ra, ông Satoshi còn có một niềm đam mê khác đó chính là video game. Quá thất vọng với những Tạp chí chuyên về game, ông đã quyết định tự làm hẳn một tạp trí game của mình. Tạp chí bao gồm những bài tin tức, review viết bằng tay và thậm chí là cả các mẹo chơi game nữa. Và tạp chí đó được đặt với cái tên Game Freak.
Tuy nhiên mặc dù có sự hỗ trợ của một hoạ sĩ là Ken Sugimori – người sau này sẽ cùng Satoshi tạo ra pokemon Satoshi vẫn chưa thấy hài lòng. Không phải vì tạp chí Game Freak không được tốt mà nguyên do lại nằm ở chính những gì cốt lõi của nó đó chính là GAME.
Ông cho rằng những tựa game thời điểm đó quá nhàm chán. Và Satoshi tin rằng mình có thể làm tốt hơn như vậy. Dựa trên niềm đam mê bắt và thu thập bọ ông quyết định sẽ làm một tựa game lấy việc thu tập, sưu tầm và chiến đấu làm trọng tâm. Và Pocket Monster hay Pokémon chính thức được khai sinh.
Và từ đây Game Freak đã chuyển hướng từ làm báo sang lập trình game. Ken Sugimori được giao trọng trách làm thiết kế chính cho tựa game còn Satoshi và một nhóm nhỏ các lập trình viên sẽ lo mảng thiết kế game và tính năng. Trong vòng 6 năm trời, Satoshi và những người chiến hữu đã chỉ ngủ 12 tiếng và sau đó là làm việc liên tục trong 24h để làm sao phải hoàn thiện tựa game nhanh nhất có thể.
Pokémon được phát triển cho hệ máy Gameboy để tận dụng cơ chế kết nối bằng cáp của chiếc máy này. Ông Shigeru Miyamoto, cha đẻ của Mario người đang giữ cương vị phát triển dự án đưa ra đề xuất rằng nên làm 2 tựa game với mỗi bản sẽ có những pokemon đặc biệt riêng và từ đó người chơi có thể trao đổi qua lại.
Không dừng lại ở đó, Satoshi muốn những người chơi có thể đặt tên cho những chú pokemon của mình từ đó như một phần làm tăng sự kết nối của người chơi với chúng. Và rồi vào tháng 2 năm 1996 hai tựa game đầu tiên mang tên Pokémon Red và Green được ra mắt và sau đó vài tháng là Blue.
Mặc dù được ra mắt vào những năm tháng cuối của chiếc máy Gameboy khi giờ đây ai cũng dành sự chú ý cho chiếc máy tiếp theo của Nintendo mang tên Nintendo DS nhưng Pokémon đã tạo ra một cú hit cực lớn tại thời điểm đó cho đến tận bây giờ. Còn sau đây chúng ta hãy cũng đi sâu vào xem những lý do nào khiến Pokemon đã, đang và sẽ tiếp tục là thương hiệu ăn khách nhất nhé!
Pokemon Sức Hấp Dẫn Của Nội Dung Và Ý Tưởng Độc Đáo
Vừa Độc Lạ, Vừa Dễ Tiếp Cận
Trọng tâm của của tựa game là việc người chơi hoặc nhân vật chính sưu tập, huấn luyện và chiến đấu bằng các Pokemon, những sinh vật hư cấu với sức mạnh đặc biệt. Ý tưởng này mang tính độc đáo và gây tò mò, bởi nó đánh mạnh vào ham muốn khám phá và niềm đam mê chinh phục của mỗi con người.
Người chơi, dù ở độ tuổi nào, cũng dễ dàng bị cuốn hút vào thế giới bởi niềm đam mê sưu tập đủ, huấn luyện chúng để trở thành người mạnh nhất, song song với đó khám phá những câu chuyện trong thế giới hư cấu rộng lớn. Chính sự đơn giản trong cách chơi và sự phong phú về chiến thuật giúp tựa game phù hợp với cả trẻ em và người lớn, tạo ra một cộng đồng fan hâm mộ đa dạng giới tính, độ tuổi.
Các Nhân Vật Biểu Tượng Hấp Dẫn
Pokemon không chỉ gây ấn tượng bằng ý tưởng mà còn nhờ các nhân vật biểu tượng. Pikachu, linh vật chính của thương hiệu, được thiết kế với hình ảnh dễ thương, gần gũi và đáng nhớ. Bản thân cái tên Pikachu cũng được Satoshi nghĩ ra bằng cách ghép chữ Pika tức tiếng điện xẹt và Chu tiếng kêu của chuột theo phiên âm tiếng nhật và từ đó ta có Pikachu tức Chú chuột điện vô cùng dễ thương.
Không chỉ riêng Pikachu, mỗi Pokemon đều có đặc điểm riêng, từ tính cách, sức mạnh đến hình dáng. Người chơi có thể tìm thấy đủ loại Pokemon phù hợp với sở thích từ những nhân vật mạnh mẽ như Lizardon hay mang vẻ ngoài lộng lẫy như Sanaito. Điều này tạo nên sự gắn kết đặc biệt giữa fan hâm mộ và các nhân vật và khi chơi Pokemon mỗi người sẽ tìm được cho mình một Pokemon mà mình thực sự yêu thích.
Sự Đa Dạng Trong Các Sản Phẩm Và Lĩnh Vực Kinh Doanh
Không chỉ dừng lại ở trò chơi điện tử mà thương hiệu đã mở rộng thành một hệ sinh thái sản phẩm khổng lồ. Một số lĩnh vực nổi bật bao gồm: Đầu tiên đó là game, Nintendo đã phát hành hơn 120 tựa game với tổng doanh số vượt qua 480 triệu bản tính đến năm 2023. Các trò chơi này không chỉ duy trì sức hút qua từng thế hệ mà còn không ngừng đổi mới với các phiên bản mới như thế giới mở trong Legend of Arceus hay 120 Pokémon Paradox trong Scarlet and Violet.
Tiếp đến đó chính là những thẻ bài Pokemon. Thẻ bài Pokemon là một trong những mảng kinh doanh thành công nhất, với hơn 52 tỷ thẻ được bán ra toàn cầu. Đây không chỉ là một trò chơi mà còn trở thành vật phẩm sưu tầm có giá trị cao. Cũng giống như Yu-gi-oh, người chơi thẻ bài Pokemon cũng sẽ sưu tầm, mua bán và trao đổi thẻ bài từ đó tạo ra cho mình một bộ bài để đem đi chiến đấu với những người chơi khác.
Một phần không kém phần quan trọng trong cả thương hiệu Pokemon đó chính là Anime và những bộ phim chiếu rạp. Series Anime đã phát sóng hơn 1000 tập, tiếp cận khán giả trên toàn thế giới. Và mới gần đây vào năm 2023 các fan của series Anime Pokemon đã chính thức phải nói lời chia tay với Satoshi nhân vật chính của cả loạt phim sau hơn 26 năm gắn bó.
Các bộ phim chiếu rạp như 23 bộ phim Pokemon The Movie hay Pokemon: Detective Pikachu với sự góp mặt của nam diễn viên Ryan Reynolds đều mang về doanh thu hàng trăm triệu USD. Bên cạnh đó thương hiệu Pokemon cũng sở hữu những ấn phẩm ăn theo như áo thun, mũ lưỡi trai và cả mô hình Pokemon. Những sản phẩm trên góp phần giúp thương hiệu này luôn đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ trong đời sống hàng ngày.
Pokemon cũng thành công nhờ chiến lược tiếp cận đa nền tảng. Các sản phẩm của thương hiệu này không chỉ tồn tại độc lập mà còn hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, game có thể thúc đẩy doanh số bán thẻ bài và người lại, trong khi Anime và phim lại giúp mở rộng độ nhận diện thương hiệu ra ngoài.
Việc Pokemon xuất hiện ở mọi nơi từ màn hình TV, rạp chiếu phim đến các cửa hàng đồ chơi giúp thương hiệu duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong tâm trí không chỉ của cộng đồng fan của Pokemon mà thậm chí cả những người chưa từng chơi hay xem Pokemon.
Cộng Đồng Và Ảnh Hưởng Văn Hóa Toàn Cầu
Một Cộng Đồng Gắn Kết
Không chỉ là một thương hiệu giải trí mà còn là một nền tảng kết nối con người, các sự kiện như giải đấu thẻ bài Pokemon, các cuộc thi trong trò chơi điện tử, hay Pokemon GO Fest đã tạo nên những cộng đồng gắn kết trên toàn thế giới.
Các cộng đồng này không chỉ là nơi để fan hâm mộ giao lưu mà còn là động lực để người chơi khám phá, sưu tập và gắn bó lâu dài với thương hiệu. Không những thế như đã nói ở đầu, với sự định hướng tạo ra 2 phiên bản song song với nhau và mỗi bản sẽ có những Pokemon đặc biệt đã góp phần tạo ra những cộng đồng lớn mạnh. Những nhóm, cộng đồng thường xuyên trao đổi, chiến đấu với nhau đã tạo ra một văn hoá nơi các fan của game trở nên gắn kết hơn dù có ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Pokemon GO: Hiện Tượng Toàn Cầu
Sự ra mắt của Pokemon GO vào năm 2016 là một minh chứng rõ nét cho sức mạnh cộng đồng của Pokemon. Trò chơi này kết hợp công nghệ thực tế tăng cường (AR) với ý tưởng sưu tập Pokemon, cho phép người chơi khám phá thế giới thực theo một cách mới.
Giờ đây những chú Pokemon đáng yêu gần gũi hơn bao giờ hết. Pokemon GO đã tạo ra một hiện tượng những năm 2016 khi ra đường không khó để bắt gặp những người đang dùng điện thoại của mình để bắt những chú Pokemon dọc đường.
Pokemon GO không chỉ thu hút hàng triệu người chơi mà còn tạo nên những hiện tượng xã hội, từ việc tập trung đông đảo người chơi tại các công viên đến những câu chuyện cảm động về việc trò chơi kết nối con người.
Sự Đổi Mới Không Ngừng Nghỉ
Từ khi ra đời, tựa game luôn đổi mới để duy trì sức hút. Các phiên bản trò chơi mới không chỉ giới thiệu thêm nhân vật mà còn mang đến những cơ chế chơi mới. Ví dụ như Tiến Hoá Mega trong phiên bản Pokemon XY, Cơ chế Z Move trong Pokemon Sun and Moon hay Đột phá bằng thế giới mở trong Pokemon: Legend of Arceus,…
Những đổi mới này giúp tựa game không bị lỗi thời, đồng thời đáp ứng nhu cầu và mong đợi ngày càng cao của người chơi. Mỗi một tựa game mới, Game Freak đều muốn đem cho người chơi những trải nghiệm vừa mới vừa cũ. Vừa hiện đại cũng vừa cổ điển. Những sự thay đổi này vừa để làm hài lòng các game thủ kỳ cựu những người vốn đã gắn bó với thương hiệu từ lâu và vừa đáp ứng nhu cầu của những người mới tiếp cận.
Không chỉ vậy, franchise cũng luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới. Từ việc sử dụng công nghệ AR trong Pokemon GO đến tích hợp thực tế ảo (VR) trong các dự án tương lai, thương hiệu này không ngừng nắm bắt xu hướng để làm mới mình và mở rộng đối tượng khán giả.
Khả Năng Kết Nối Đa Thế Hệ
Pokemon là một trong số ít thương hiệu có khả năng kết nối đa thế hệ. Những người lớn từng chơi Pokemon khi còn nhỏ giờ đây có thể truyền niềm đam mê này cho con cái của họ. Và từ đó niềm đam mê đến với thế giới diệu kỳ của Pokemon lại được truyền thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Không ít những khách hàng đến với 34GameShop là những ông bố, bà mẹ với niềm đam mê Pokemon từ thuở nhỏ cũng đã giới thiệu và hướng dẫn những đứa con của mình trong các tựa game mới của nhà Nintendo. Sự kết nối này không chỉ giúp Pokemon duy trì độ phổ biến mà còn tạo nên một vòng lặp phát triển bền vững, khi thế hệ mới tiếp tục yêu thích và tận hưởng thế giới nhiệm màu mà Pokemon đem lại.
Điều này càng củng cố rằng Pokemon quả thực là một tựa game không tuổi khi một trong những điểm mạnh là khả năng giữ vững hình ảnh qua từng năm tháng. Dù đã tồn tại gần 30 năm, Pokemon vẫn duy trì được sức hút đối với mọi độ tuổi nhờ sự kết hợp giữa yếu tố cũ đã tạo nên thành công của mình và những yếu tố mới mẻ để thu hút thêm người hâm mộ.
Tổng Kết
Với sự đổi mới không ngừng và tình yêu từ hàng triệu người hâm mộ, Pokemon không chỉ là franchise lớn nhất hiện tại – mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng toàn cầu. Và hãy luôn nhớ rằng hành trình của Pokemon vẫn sẽ còn tiếp tục. “Gotta catch ’em all!“