Cùng 34gameshop tìm hiểu về tựa game Jump Force này nhé!
Jump Force – Từ lâu, Bandai Namco đã có tham vọng được mang toàn bộ thế giới truyện tranh và hoạt hình Nhật Bản vào một vũ trụ chung để các nhân vật yêu thích của mọi người được tỉ thí lẫn nhau.
Không từ bỏ, Bandai Namco giới thiệu Jump Force, được cho là sẽ kế thừa những tinh hoa của J-STARS Victory VS với lối chơi đối kháng hấp dẫn đã từng được mang ra “thí nghiệm” ở những tựa game đối kháng ăn theo manga khác. Jump Force còn sử dụng Unreal Engine 4 để mang đến những hình ảnh đẹp mắt nhất cho người chơi.
Thế nhưng sự thật thì không phải vậy…
BẠN SẼ GHÉT
HỜ HỮNG VÀ KHÔNG TRỌN VẸN
Jump Force mang đến cho người chơi một số lượng nhân vật khá “khủng” đến từ rất nhiều bộ truyện tranh và hoạt hình đình đám của Nhật từ xưa đến nay. Ngoại trừ ba cái tên chính tham gia vào trò chơi là Dragon Ball, Naruto và One Piece, trò chơi còn có sự tham gia của các tên tuổi như JoJo’s Bizarre Adventure, Yu-Gi-Oh!, Yu Yu Hakusho, My Hero Academia, Bleach… khiến cho dàn “hậu cung” xuất hiện trong trò chơi lên đến 40 nhân vật.
Đặt bối cảnh xã hội ngoài đời thực đang trong tình trạng rối loạn khi toàn bộ các nhân vật đến từ Weekly Shonen Jump bị “lạc trôi” đến đây. Dưới sự điều khiển của Kane, một số đã kẻ ác đã liên kết với nhau nhằm phá hoại thế giới này cho một mục đích đen tối hơn.
Bạn – một người qua đường xấu số khi phải hứng chịu Death Beam của Frieza trong lúc hắn đang đánh nhau với Son Goku, phải gia nhập vào biệt đội Jump Force để chặn đứng âm mưu của kẻ xấu. Sau khi tạo nhân vật, người chơi sẽ phải chọn một trong ba nhóm để xác định bộ kỹ năng cơ bản cho mình, bao gồm phong cách chiến đấu như Dragon Ball, One Piece hoặc Naruto.
Sau khi tham gia vào biệt đội trừ gian này, bạn sẽ di chuyển tại căn cứ để tiến hành phần chơi cốt truyện và nhận nhiệm vụ để thúc đẩy tiến độ nội dung lên.
Căn cứ của Jump Force rất lớn và có nhiều tầng, tuy nhiên trò chơi không hề định vị để người chơi có thể biết được mình nên làm gì tiếp theo và mình cần tới đâu để tiếp tục nội dung.
Đôi khi, người chơi đi long nhong trong căn cứ và bất thình lình một đoạn cắt cảnh xuất hiện chắc chắn sẽ làm cho bạn không khỏi ngơ ngác. Điều này sẽ dễ dàng hơn nếu người chơi có thể bật bản đồ lớn để xem toàn cảnh căn cứ và nơi cần đến. Nhưng không! Bạn chỉ có thể bật hoặc tắt bản đồ nhỏ xuất hiện trên màn hình chứ hoàn toàn không có bản đồ lớn để cho người chơi xem.
Tiếp đến, các nhiệm vụ của Jump Force được “ném” vô mặt bạn một cách hết sức lười nhác và cẩu thả. Bởi phần nội dung quá ngắn và sáo rỗng của mình, mỗi nội dung ngắn được đặt ở đằng sau một “bức tường” rất dày, thường sẽ bao gồm rất nhiều trận đấu vô nghĩa với lũ Venom (tay sai của Kane) trước khi được tham gia vào các trận đánh với nhân vật truyện tranh.
Không chỉ thế, các Venom đều được tạo sẵn với bộ chiêu gần như sao chép từ hai nhân vật Sanji và Frieza, mọi đòn thế và trang phục của các Venom xuất hiện đều giống nhau đến 99%.
Không thể không nhắc đến việc cẩu thả trong khâu xây dựng nhân vật và phân đoạn hội thoại. Trừ bộ ba manga chính của tựa game, các nhân vật từ các bộ manga khác đều ít nhiều bị “bóp méo” tính cách, điển hình nhất: Jotaro từ JoJo’s Bizarre Adventure vốn là một nhân vật của hành động, ít nói nhưng lại có thể nói “How the heck?” hoàn toàn không giống tính cách của anh.
Hơn thế nữa, các trường đoạn cắt cảnh trong trò chơi lại được làm hết sức cẩu thả, các diễn hoạt không dứt khoát, không có biểu cảm nhân vật, động tác miệng không hề trùng hợp (và đôi khi không hề có) khi các nhân vật nói chuyện, riêng Ryuk (thần chết trong Death Note) còn không có lồng tiếng mà chỉ xuất hiện các đoạn hội thoại đầy chữ!
Và cứ thế, Jump Force đưa bạn đến cuộc hành trình hết sức… nhàm chán: giúp đỡ các anh hùng thoát khỏi sự điều khiển của Kane, tiêu diệt những kẻ xấu để triệt hạ kế hoạch của Kane.
Các công việc này được lặp đi lặp lại trong game cho đến khi những kẻ gian đứng sau sự kiện này bị hạ gục.
MỘT TRẢI NGHIỆM ĐÁNG QUÊN!
Cơ chế chơi của Jump Force rất đơn giản và dễ tiếp cận, người chơi sẽ được tham gia vào các trận đấu 3 chọi 3, được điều khiển một nhân vật và chuyển đổi qua lại giữa ba nhân vật hoặc gọi ra để dùng kỹ năng hỗ trợ. Tuy nhiên, các nhân vật lại sở hữu chung thanh máu, bên nào có thanh máu chung tuột về 0 trước sẽ thua.
Các đòn combo được thực hiện bằng cách liên tục bằng cách… “spam” nút đánh không ngừng nghỉ. Ngoài ra, người chơi còn có thể gồng các đòn tấn công hay thực hiện các pha ném để phá thế thủ của kẻ thù. Người chơi có thể thực hiện các pha né đòn nhanh khi di chuyển đúng thời điểm đòn tấn công chạm vào nhân vật, giúp tránh sát thương và phản đòn.
Điểm tạo ra dấu ấn và khác biệt cho từng nhân vật là ở kỹ năng đặc biệt. Mỗi nhân vật sẽ sở hữu bốn kỹ năng đặc biệt, bao gồm ba kỹ năng thường và một kỹ năng tối thượng. Người chơi chỉ có thể kích hoạt và sử dụng kỹ năng tối thượng khi nhận sát thương nặng nề.
Với cơ chế chiến đấu đơn giản, người chơi sẽ dễ bắt nhịp và làm quen với Jump Force, tuy nhiên việc lặp đi lặp lại các thao tác đơn giản này vô tình làm cho trò chơi dễ chán và mất đi giá trị chơi lại.
Điểm đáng chú ý là người chơi sẽ liên tục bị tụt hứng bởi việc màn hình chờ thường xuyên xuất hiện cùng thời lượng tải tài nguyên cực kỳ lâu. Chẳng hạn như việc một trường đoạn có nhiều phân cảnh khác nhau giữa các phân cảnh trò chơi sẽ tiến hành tải tài nguyên và đưa người chơi đến màn hình chờ, tùy phân cảnh mà thời gian tải sẽ lên tới… 10 phút. Không chỉ vậy, điều đáng trách hơn đó chính là cả việc bật cửa hàng để mua đồ cũng yêu cầu người chơi phải chờ khoảng 5 phút để hiển thị giao diện.
Không chỉ vậy, hiện tượng trồi sụt trong suốt quá trình chơi thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong các đoạn cắt cảnh và đôi khi… cả màn hình chờ.
Một điểm nhỏ khác cũng đáng chê trách đó chính là khả năng làm nhòe chuyển động (motion blur) bị lạm dụng quá mức trong trò chơi, mọi hoạt động di chuyển hay tấn công của nhân vật đều bị làm nhòe đến mức khó chịu, và Jump Force không hề cho phép người dùng tắt tính năng này đi…