Its Takes Two, tựa game được làm bởi đội ngũ Hazelight Studio từng thành công với A Way Out vào năm 2018, với lối chơi xoay quanh việc buộc phải chơi cùng một người chơi khác.
Cũng không ngoại lệ, sau nhiều thông tin và trailer giới thiệu về It Takes Two, tựa game vẫn giữ vững tinh thần đó và hứa hẹn mang tới trải nghiệm game cộng tác (co-op) thú vị hơn nữa.
Liệu rằng tựa game thuần co-op này có thật sự chất lượng để mang tới một luồng gió mới?
Bài đánh giá sau về It Takes Two của Vietgame.asia sẽ mang tới câu trả lời cho bạn!
BẠN SẼ THÍCH
“CẶP ĐÔI” HOÀN CẢNH
Thật ra, hai nhân vật chính của chúng ta – May và Cody – là hai vợ chồng đang đứng trên… “bờ vực ly hôn” vì không thể hòa hợp vào nhịp điệu cuộc sống của nhau.
Sau khi lấy hết can đảm, cả hai đã nói sự thật cho cô con gái – Rose – về điều gì sẽ diễn ra trong cuộc sống sắp tới khi cả nhà không còn gần nhau nữa.
Rose lặng lẽ lên lầu, cầm lấy cuốn sách tình yêu và tin rằng khi cô bé cầu nguyện thì phép màu sẽ diễn ra… Và thật, giọt nước mắt của cô bé đã đánh thức thần tình yêu, đưa May và Cody vào hai hình nộm để cả hai người họ cùng trải qua nhiều cuộc hành trình gian nan tìm lại tình yêu đôi lứa đã bỏ quên trước khi quá muộn.
Thật ra câu chuyện khi nghe sơ qua thì chắc chắn chúng ta đều biết trước kết quả.
Nhưng không phải vì thế mà It Takes Two không biết cách làm mới chính mình.
Tất cả nhờ vào các cuộc hội thoại và việc chắt lọc tình tiết, đẩy đưa cảm xúc lẫn diễn viên lồng tiếng đều hoàn thành cực tốt vai trò của mình.
Nhờ vậy tuy ta hoàn toàn biết kết quả, nhưng không thể không nực cười trước những hội thoại đầy mỉa mai lẫn nhau hay những lúc hối thúc lẫn nhau mau giải đố, đánh trùm, v.v. Và khi kết, chúng ta cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn câu chuyện đầy thú vị và không hề kém phần nhân văn mà It Takes Two mang lại cho người chơi.
Nói thẳng ra, tuy cốt truyện dễ đoán không phức tạp, lắc léo gì lắm nhưng vẫn được thể hiện trau chuốt, được làm hết tâm chứ không chỉ “làm nền cho có” như Crash Bandicoot 4: It’s About Time hay Sackboy: A Big Adventure.
Lối chơi của It Takes Two cực kỳ đa dạng, mỗi màn có mỗi cơ chế và công dụng khác nhau.
Có màn thì May được sở hữu cái móc, còn Cody sử dụng cây đinh và màn chơi áp dụng triệt để khả năng thuần phục lẫn hợp tác của cả hai.
Ví như Cody phóng đinh (còn có cả vụ gọi đinh lại hệt như việc Kratos “hút” cây Leviathan trở lại trong bản God of War 2018), rồi May phải nhảy bám để lên được vị trí cao hơn nhằm mở đường cho Cody có thể đi lên.
Có màn cho phép Cody biến to lẫn thu nhỏ, còn May thì có khả năng sử dụng đôi giày vật lý để đi lên các bề mặt khác nhau.
Thậm chí còn nực cười hơn, có màn cho phép hai nhân vật trở thành… phù thủy và hiệp sĩ với lối chơi không khác gì Diablo III!
Đó chỉ là một trong các mô tả cực sơ khai trong sự đa dạng mà Cody và May trải qua trong suốt chuyến hành trình trong It Takes Two.
Để tạo thêm chiều sâu, đội ngũ Hazelight Studio còn gài gắm mỗi cơ chế hoặc màn chơi đều dựa trên những thiếu sót hoặc lẫn “niềm vui”, hoặc cả những đam mê đã vắng bóng trong hai nhân vật.
Nhờ thế mỗi cơ chế đan xen vào mỗi màn chơi vô cùng đồng nhất, ý nghĩa hơn nhiều khi chúng không phải chỉ “ném vô cho có”.
Và vì buộc phải tương trợ lẫn nhau, màn chơi được thiết kế chặt chẽ để mỗi người đều có đất dụng võ và muốn qua màn thì không một ai có thể bỏ mặt ai cả.
Lối chơi của It Takes Two cực kỳ đa dạng, mỗi màn có mỗi cơ chế và công dụng khác nhau
Kể cả đánh các loại trùm khác nhau cũng không thể chiến thắng một mình được.
Đạo diễn của It Takes Two – ông Josef Fares – còn mạnh dạn loại bỏ luôn “collectable” (nôm na là các món đồ để người chơi lần mò “thu hoạch”), thay vào đó tại mỗi màn chơi đều có ít nhất 2-3 mini game mà người chơi hoàn toàn có thể lựa chọn chơi hoặc bỏ qua mà không ảnh hưởng gì tới quá trình chơi nói chung.
Từ đấy không tạo ra sự bất tiện hoặc khó chịu nào trong việc phải “gồng” mình tìm các món đồ ẩn nếu muốn hoàn thành 100% game.
Mà các bạn cũng yên tâm: độ khó của game ở mức không hề gây khó khi chơi cùng bè bạn nhé!
HÌNH ÂM CÙNG HÒA HỢP
Đồ họa của It Takes Two được nhấn mạnh vào sự đặc tả vô cùng độc đáo qua các màn chơi.
Có thể về chất lượng mô hình nhân vật người không được gọi là xuất sắc, nhưng các cử chỉ khuôn mặt và cơ thể được đội ngũ làm rất tốt khi bắt đầu vào chuyến hành trình của hai “con nộm” của May và Cody (làm người viết lại nhớ đến game Unravel Two của EA).
Các màn chơi xoay quanh các bối cảnh quen thuộc trải dài từ nhà kho, khuôn vườn, phòng ngủ của Rose rồi cả các các khu vực ảo tưởng lấy cảm hứng từ chính các trò chơi mà hai nhân vật trải qua cùng con gái, v.v.
Chính vì tập trung vào niềm vui, hãng Hazelight Studio đẩy hết sự sáng tạo của mình để người chơi liên tục hào hứng hàng giờ liền để khám phá và trải nghiệm!
Người viết trước giờ vẫn thấy việc lạm dụng các hiệu ứng tân thời chưa chắc mang lại hiệu quả bằng việc chỉ đạo nghệ thuật tốt cả.
Có thể It Takes Two không có hiệu ứng Ray-Tracing hay các hiệu ứng khói cháy lửa như “thật” nhưng người chơi đảm bảo yên tâm rằng đồ họa của It Takes Two vẫn dư sức làm người chơi “Ồ” lên không ít hơn 5-6 lần, vì cảnh sắc được sắp đặt rất biết nắm bắt lấy cảm xúc!
Điều đó còn được thể hiện tốt hơn nhờ vào các hiệu ứng âm thanh môi trường được gọt dũa không kém.
Không nói lại việc lồng tiếng xuất sắc (đề cập ở trên), âm thanh môi trường được đặc tả kỹ lưỡng trong từng tiếng động nhỏ, chưa nói nếu sử dụng một bộ loa tốt thì việc hòa mình vào It Takes Two là một điều vô cùng cần thiết nếu bạn muốn tận hưởng trọn vẹn bầu không khí sống động!
Các bản nhạc của It Takes Two cũng thực hiện trọn vẹn vai trò của mình để đóng lại một bức tranh đầy sức hút của tựa game mang lại.
Đặc biệt là màn chơi cuối mà người viết không muốn tiết lộ!
BẠN SẼ GHÉT
KHI MỘT MÌNH BẠN CHẲNG LÀ AI ĐƯỢC CẢ…
Thiệt ra rào cản lớn nhất của It Takes Two đó là việc kiếm được một người bạn cùng nhập tâm và chơi tới cùng với mình.
Người viết đã phải chật vật gần cả hai tuần để chơi cùng… hai người bạn khác nhau để hoàn thành vì … cuộc sống mà, không phải ai cũng có thể dành thời gian 2-3 tiếng để trải nghiệm một trò duy nhất vào hàng đêm cùng mình.
Người viết cũng không có nhiều bạn online sẵn lòng chơi It Takes Two khi hầu hết các bạn đều mê mệt các trò mang tính đại chúng hơn như Monster Hunter: Rise, Fall Guys, v.v.
Và vì vậy, ít nhiều cảm xúc hòa nhập trọn vẹn 100% của game cũng bị ảnh hưởng nếu như bạn không có bạn bè sẵn lòng cùng chơi xuyên suốt chuyến hành trình rất đáng nhớ của Cody và May.
Ngoài ra, có lẽ đây là cảm tính cá nhân của người viết nhưng It Takes Two có thể có nhịp game tốt hơn do có vài màn chơi dường như được kéo dài quá mức, khiến đôi lúc bị “chán ngấy” nhẹ – người viết từng cảm thấy sự tương tự này ở các “bom tấn” ưa thích như Uncharted 4: A Thief’s End hay The Last of Us Part II.